0

Những hậu quả tiềm ẩn từ áp lực học tập | Safe and Sound

Với sự gia tăng về các chương trình học tập, ngoại khoá, học sinh phải đối mặt với những áp lực của kỳ thi và sự kỳ vọng quá lớn về điểm số. Chuyên gia tâm lý cho biết, khi những áp lực học tập gia tăng quá mức và vượt quá khả năng chịu đựng của trẻ thì nó là tác nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, đời sống và giảm chất lượng học tập.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Dấu hiệu nhận biết

Áp lực học tập sẽ tạo ra động lực, mang đến cảm giác phấn khích, hứng thú và giúp học sinh, sinh viên học tập tốt hơn. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý khuyến cáo, nếu áp lực học tập kéo dài dai dẳng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, kết quả học tập của trẻ nhỏ. Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ chịu áp lực học tập gồm:

  • Chán nản và mất hứng thú khi học tập. Chuyên gia tâm lý cho biết, dần dần trẻ sẽ đánh mất niềm vui, sự hào hứng khi đến trường và có tâm lý học tập chỉ để đối phó.
  • Tâm lý buồn bực, bi quan, dễ nóng giận và giảm các cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng, phấn khởi,…

Ảnh 1: Chán nản, bi quan,... là những biểu hiện của áp lực học tập ở học sinh, sinh viên

  • Cảm thấy mông lung, không hiểu rõ bản thân thích gì và khó định hướng được tương lai.
  • Trẻ bị áp lực học tập đôi khi vẫn ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và bố mẹ. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý khuyến cáo, vẫn có một số trẻ hình thành phản ứng chống đối như cãi lời, không muốn đến trường, không muốn dành thời gian nghỉ ngơi để học thêm, phát triển năng khiếu,…
  • Ngoài ra, người bị áp lực học tập còn gặp phải các vấn đề thể chất như sụt cân, suy nhược, đau đầu, ăn uống kém, chất lượng giấc ngủ kém,…

2. Hậu quả từ áp lực học tập kéo dài

Theo chuyên gia tâm lý, áp lực học tập nếu không sớm được kiểm soát và giải tỏa kịp thời sẽ gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân học sinh mà còn tác động đến các mối quan hệ gia đình và xã hội. Thậm chí, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, nếu trẻ không được đồng cảm và thấu hiểu, những hậu quả đáng tiếc do áp lực học tập có thể xảy đến.

2.1. Trẻ bị suy giảm về sức khỏe tinh thần

Những căng thẳng kéo dài dai dẳng sẽ khiến cho trẻ dần trở nên mệt mỏi, chán chường. Một số trẻ còn bị rối loạn về cảm xúc hay buồn chán, tức giận, cáu gắt một cách vô cớ. Chuyên gia tâm lý cho biết, những cảm xúc tiêu cực cứ mãi bị dồn nén có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm như rối loạn lo âu, trầm cảm,...

2.2. Sức khỏe thể chất giảm sút nặng nề

Theo chuyên gia tâm lý, áp lực học tập không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến sức khỏe thể chất. Ban đầu, trẻ sẽ gặp phải các vấn đề như đau đầu, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi,… Nếu tình trạng kéo dài, cơ thể sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý như suy nhược thần kinh, thiếu máu não, đau vai gáy và mất ngủ. Ngoài ra, áp lực học tập quá lớn cũng khiến cho trẻ mất đi sự sáng tạo, linh hoạt và thay vào đó sự rập khuôn trong quá trình học tập.

Ảnh 2: Áp lực học tập kéo dài gây ra những bất ổn về tâm lý và sức khoẻ thể chất

2.3. Ảnh hưởng đến kết quả học tập

Việc học quá mức, nhồi nhét kiến thức một cách không khoa học không phải là phương pháp giáo dục hiệu quả, thậm chí nó còn gây phản tác dụng. Chuyên gia tâm lý cho rằng, thời gian học tập của các em dày đặc nhưng dường như trẻ sẽ không thể tiếp thu được tốt các kiến thức nên kết quả học tập sẽ càng đi xuống. Đồng thời, nhiều trẻ cũng có sự ám ảnh về điểm số nên khi đến các kỳ kiểm tra, kỳ thi lại cảm thấy vô cùng căng thẳng, khó có thể hoàn thành tốt.

2.4. Rạn nứt các mối quan hệ

Trong trường hợp áp lực học tập đến từ sự ảnh hưởng của gia đình, thầy cô thì đôi khi nó sẽ làm cho các mối quan hệ này càng trở nên căng thẳng hơn. Trẻ dễ hình thành tâm lý chống đối với chính cha mẹ của mình. Điều này gây ra những mâu thuẫn gay gắt và dữ dội, làm cho tình cảm gia đình dần bị rạn nứt. Theo chuyên gia tâm lý, những bậc phụ huynh không biết cách thấu hiểu con cái, luôn cho rằng bản thân là đúng sẽ càng làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.

2.5. Gia tăng các hành vi tiêu cực ở trẻ

Sức ép học tập quá lớn có thể khiến con trẻ mệt mỏi và dễ gây ra các hành vi chống đối. Đặc biệt là những trẻ ở tuổi dậy thì, nhạy cảm với những lời mắng chửi, chỉ trích của mọi người xung quanh. Chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ có thể trốn học, cúp tiết hay thậm chí là tìm đến rượu bia, thuốc lá, ma túy,... nhằm tỏ thái độ phản đối, né tránh việc học.

2.6. Nguy cơ tự sát gia tăng

Thời gian gần đây, chúng ta đã gặp không ít các trường hợp tự sát của trẻ em mà nguyên nhân chính đến từ áp lực học tập, thiếu sự đồng cảm của gia đình. Khi trẻ không thể tâm sự với bất kì ai xung quanh, trẻ sẽ dần rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng và dễ hình thành những suy nghĩ tiêu cực.

: Những hậu quả tiềm ẩn từ áp lực học tập | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound